Giới thiệu chung
Từ xa xưa, Hàng Bài đã được người dân đất Việt biết tiếng là một trong 36 phố phường sầm uất, phồn thịnh của Kinh thành Thăng Long. Ngày nay, tên của phố cổ lại được đặt tên cho phường- thuộc quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
1.Đặc điểm, vị trí;
Phường nằm ở vị trí trung tâm thành phố, phía Bắc giáp phường Tràng Tiền, phía Nam giáp phường Ngô Thì Nhậm và Nguyễn Du, phía Đông giáp phường Phan Chu Trinh, phía Tây giáp phường Trần Hưng Đạo. Với diện tích 276.000 m2 và 11.466 dân, có 11 tuyến phố và hai ngõ nhỏ, Hàng Bài là một trong những phường của quận Hoàn Kiếm tập trung các cơ quan đầu não của Nhà nước và Thành phố: Văn phòng Quốc Hội- 35 Ngô Quyền, Uỷ ban Đoàn kết những người công giáo yêu nước và hóa bình Việt Nam- 34 Ngô Quyền, Tổng cục Cảnh sát nhân dân - 40 Hàng Bài, Đại sứ quán Pháp – 57 Trần Hưng Đạo, Đại sứ quán Indonexia – 50 Ngô Quyền, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh – 60 Bà Triệu. Hàng Bài cũng là nơi tập trung các cơ quan khoa học, văn hóa nghệ thuật của Thủ đô và cả nước.
2.Lịch sử;
Diện mạo hiện tại của mảnh đất phía nam Hồ Gươm hôm nay vẫn là nơi “ Lắng hồn núi sông” của Thăng Long- Hà Nội ngàn năm văn hiến, thuộc đất các làng cổ; Phúc Lâm, Hàm Châu, Tràng Khánh, Vọng Đức, Hồi Thuần, Phục Cổ giáo phường, Liên đường thuộc huyện Thọ Xương. Rẻo đất chạy từ Hàng Khay đến Ô Tây Luông nay là khu vực Nhà hát lớn, ngăn hồ Lục Thủy thành hai hồ lớn-hồ Tả Vọng ở phía trên hồ Hữu Vọng ở phía dưới. Phường Hàng Bài nay vốn là đất nằm ven hồ Hữu Vọng- hồ kéo dài đến tận Hàng Chuối, nhà cửa xen lẫn ruộng vườn, ao hồ nhỏ, lầy trũng. Riêng Hàng Bài, Hàng Khay, Hàng Giò, Hàng Kèn(nửa đầu phố Bà Triệu ngày nay) là bốn phố cổ gắn liền với khu vực 36 phố phường phồn thịnh của Kinh thành.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, phường Hàng Bài thuộc các đơn vị hành chính khác nhau. Đầu thế kỷ, chính quyền thực dân Pháp chia nội thành thành 8 khu (quarter), Hàng Bài thuộc khu V. Cách mạng tháng 8 thành công Uỷ ban Hành chính thành phố chia nội thành thành 17 khu phố, Hàng Bài thuộc khu Đại học. Kháng chiến chống thực dân Pháp 60 ngày đêm(19/12/1946-17/02/1947) khu Đại học thuộc Liên khu II bị Pháp chiếm, Hàng Bài thuộc Quận II sau đó lại thuộc Quận Nội, từ năm 1954 đến năm 1981, chính quyền cấp cơ sở của thành phố thay đổi nhiều lần, địa dư các khu phố tương ứng với Hàng Bài ngày nay cũng theo đó mà thay đổi. Năm 1981 phường Hàng Bài chính thức được thành lập.