Văn hóa- Xã hội
Thời gian gần đây, bệnh dại từ chó, mèo lây sang người gia tăng đột biến ở nhiều tỉnh, thành phố, số ca tử vong do bệnh dại cũng tăng cao. Vì vậy, người nuôi chó mèo cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi chó mèo và tiêm phòng dại đầy đủ hàng năm cho đàn vật nuôi.
Thời gian gần đây, bệnh dại từ chó, mèo lây sang người gia tăng đột biến ở nhiều tỉnh, thành phố, số ca tử vong do bệnh dại cũng tăng cao.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 3, cả nước xảy ra 26 ca tử vong trên người do bệnh dại ở 15 tỉnh, thành phố.
Cả nước hiện có hơn 4,9 triệu hộ nuôi chó, mèo, với tổng đàn là 7,6 triệu con. Phong trào nuôi chó, mèo đang phát triển mạnh, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Việc nuôi chó, mèo nếu không được quản lý sẽ dẫn đến nguy cơ lây lan một số dịch bệnh từ động vật sang người, trong đó có bệnh dại.
Các chuyên gia y tế cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng nguy cơ bùng phát bệnh dại là do: đàn chó, mèo thả rông còn phổ biến; tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm vaccine thấp; chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, chó thả rông, tiêm vaccine phòng bệnh dại. Thời tiết nắng nóng cũng là nguyên nhân làm cho tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp. Qua báo cáo của cơ quan chuyên ngành thú y, từ năm 2022 đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo; cá biệt có một số tỉnh, thành phố chỉ đạt khoảng 10%. Ngoài ra, lực lượng thú y cơ sở còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn, nhất là nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh dại còn hạn chế.
Bệnh Dại là bệnh lây truyền giữa động vật và người. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở động vật máu nóng do vi rút gây ra. Động vật sau khi nhiễm vi rút dại có thời gian ủ bệnh khác nhau tuỳ thuộc loài, độc lực của vi rút và vị trí vết cắn. Thời gian ủ bệnh ở động vật có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, có thể lâu hơn, nhưng trước 10 ngày phát bệnh, vi rút có thể gây nhiễm cho người và động vật khác. Vi rút dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh, kể cả khi con vật chưa có dấu hiệu lâm sàng.
- Nguồn bệnh: Nguồn mang mầm bệnh chủ yếu là chó (trên 90%), mèo nuôi và động vật hoang dã như chó sói, chó rừng, ngoài ra còn ở mèo, chồn, cầy, cáo và một số loài động vật có vú khác như gấu trúc, các loài dơi hút máu, dơi ăn sâu bọ.
- Đường truyền lây: Vi rút xâm nhập qua các vết cắn, vết liếm, vết cào, da, niêm mạc bị tổn thương, vết thương hở.
- Triệu chứng: Các biểu hiện lâm sàng thường được chia làm 02 thể là thể dại điên cuồng và thể dại câm (bại liệt). Trong thực tế, nhiều con chó mắc bệnh dại biểu hiện cả 2 thể này một cách xen kẽ nhau, thời gian đầu có biểu hiện điên cuồng, bị kích động rồi sau đó chuyển sang dạng bị ức chế và bại liệt.
+ Thể dại điên cuồng: con vật thường cắn sủa người lạ dữ dội, quá vồ vập khi chủ gọi, chỉ cần có tiếng động nhẹ cũng nhảy lên sủa từng hồi dài. Vết thương nơi bị cắn ngứa, chó liếm hoặc tự cắn, cào đến rụng lông, chảy máy. Chó chảy nước dãi, sùi bọt mép, tỏ vẻ bồn chồn, cảnh giác, sợ sệt, cắn vu vơ, hay giật mình, đi lại không có chủ định, trở nên dữ tợn, điên cuồng,…
+ Thể dại câm: Con vật chỉ có biểu hiện buồn rầu; có thể bị bại ở một phần cơ thể, nửa người hoặc 2 chân sau nhưng thường là liệt cơ hàm, hàm trễ xuống, lưỡi thè ra; nước dãi chảy lòng thòng, con vật không cắn, sủa được, chỉ gầm gừ trong họng,…
Cho đến nay bệnh Dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người và động vật bị bệnh Dại gần như tử vong 100%.
Bệnh Dại nguy hiểm nhưng người dân hoàn toàn có thể phòng tránh. Theo các chuyên gia y tế, để chủ động phòng, chống bệnh Dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y;
- Không thả rông chó mèo. Quá trình nuôi chó phải xích, nhốt. Khi ra đường phải mang rọ mõm, không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.
- Đặc biệt, khi bị chó, mèo cắn, người dân cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút, nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn i-ốt, hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Người bị động vật cắn cần kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị, không dung thuốc nam để chữa hoặc nhờ thầy lang chữa trị.
Đồng thời xích, nhốt chó mèo trong khuôn viên gia đình để theo dõi trong vòng 14 ngày.
Những gia đình có trẻ nhỏ cần hướng dẫn cho trẻ cách phòng tránh chó, mèo cắn, thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn…
- Thường xuyên theo dõi, giám sát chó, mèo nuôi của gia đình, nếu phát hiện con vật vô cớ cắn, cào người hoặc tấn công động vật khác thì phải cách ly và báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất.
Hiện nay nhu cầu nuôi thú cưng, trong đó có chó, mèo của người dân có xu hướng gia tăng nên nguy cơ bệnh dại ngày càng cao. Vì vậy, người nuôi chó mèo cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi chó mèo và tiêm phòng.
Theo quy định tại Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 31/1/2020 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 và Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ);
- Điểm a, khoản 2, điều 07 quy định : Trường hợp chủ vật nuôi không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó mèo, sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
- Điểm b, khoản 2, điều 07 quy định : Trường hợp chủ vật nuôi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Thực hiện Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 31/11/2023 của UBND quận Hoàn Kiếm về việc phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2024. Sáng ngày 06/4/2024, UBND phường Hàng Bài phối hợp với Trung tâm Y tế - Phòng y Tế - Trạm chăn nuôi và Thú y quận Hoàn Kiếm tổ chức tiêm phòng dại đợt I – năm 2024 cho chó, mèo trên địa bàn phường. Cụ thể :
- Thời gian : Trong buổi sáng ngày 06/4/2024
- Địa điểm : Số 4 phố Nguyễn Chế Nghĩa – Cổng sau Trụ sở UBND phường.
- Mức giá tiêm phòng : 23.000 đồng/1 con
Đồng thời UBND phường cũng triển khai đến các tổ chức, cá nhân nuôi, kinh doanh chó, mèo trên địa bàn 07 tổ dân phố việc ký cam kết thực hiện “5 không”:
- Không nuôi chó, mèo khi chưa khai báo với chính quyền địa phương.
- Không nuôi chó, mèo mà không tiêm phòng dại.
- Không nuôi chó thả rông.
- Không để chó cắn người.
- Không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường.
UBND phường sẽ triển khai đội chuyên trách bắt chó thả rông và tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của Pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong việc nuôi chó, mèo.
UBND Phường Hàng Bài đề nghị các tổ chức, cá nhân trên địa bàn phường nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật trong nuôi gia súc, gia cầm. Thực hiện đầy đủ việc tiêm phòng dại cho chó, mèo để phòng chống bệnh dại.